“Trí mạng” cũng là “chí mạng”!
Nguyễn Đức
Dân
Đề báo “Đòn
trí mạng với du lịch Thái Lan” trên
Tuổi Trẻ
(14.8.2016) gây ra tranh luận sôi nổi, không vì nội
dung mà vì chuyện chính tả: trí mạng hay chí mạng?
Để tìm hiểu
hai cách viết này, đầu tiên chúng ta dựa vào những từ điển có uy tín.
Trong Đại Nam quấc âm tự vị
xuất bản
1895 của Huình Tịnh Của có tiếng trí với nghĩa “đến, tột, liều” và có từ
trí mạng với câu trích
“kiến nguy trí mạng” có nghĩa là “(thấy nguy) liều mạng sống”. Trong Hán-Việt Tự-điển
xuất bản lần đầu năm 1932 của Đào Duy Anh
có từ trí mệnh được giải nghĩa là “đem cả tính mệnh mình vào việc
đó”. Trong Việt Nam tự điển
(1970) của Lê Văn Đức, do Lê Ngọc Trụ
hiệu đính, cũng có từ
trí mạng với câu trích
“kiến nguy trí mạng” (thấy nguy liều chết). Không thấy từ chí mạng trong ba từ điển
này. Trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên)
bản in 1992 có cả chí mạng và trí mạng với dữ liệu “đánh một đòn trí mạng”,
“đánh nhau trí mạng” nghĩa là đánh
nhau không kể gì tới
nguy hiểm tính mạng, nhưng để hiểu chí mạng Hoàng Phê lại dẫn
tới trí mạng.
Vậy là “trí mạng” đã được
dùng từ rất lâu rồi.
Nhưng xã hội
dần dần có khuynh hướng
dùng chí mạng. Xảy ra khuynh hướng
này do áp lực
ngữ nghĩa của hàng loạt từ có yếu tố
chí với
nghĩa “điều
sắp nêu ra là điểm tận cùng của sự việc”, “biểu thị mức độ cao nhất” của hiện tượng được
đề cập: Chạy chí chết mà không kịp; Bạn chí cốt là bạn hết
sức gắn bó nhau; Cũng
vậy với bạn chí thân, chí thiết;
Lời khuyên chí tình là lời khuyên
rất mực chân thành; Giáng đòn chí tử cũng là giáng
đòn trí mạng…Nói cách khác, trí mạng đồng
nghĩa với chí tử, mà chỉ có
một cách viết chí tử. Do đó cũng hình thành cách viết
chí mạng (lại phù hợp
với phương ngữ Bắc Bộ phát âm
không phân biệt trí mạng và chí mạng).
Điều gì đã
được xã hội chấp nhận thì cần được coi là chuẩn mực. Do vậy
trí mạng cũng là chí mạng.